Viêm Mê Nhĩ Có Thể Gây Biến Chứng Viêm Màng Não

Viêm Mê Nhĩ Có Thể Gây Biến Chứng Viêm Màng Não

Viêm mê nhĩ là một cấp cứu trong chuyên ngành tai mũi họng nhưng tỷ lệ không cao, chỉ khoảng 0,05% các trường hợp cấp cứu.

Viêm mê nhĩ là một cấp cứu trong chuyên ngành tai mũi họng nhưng tỷ lệ không cao, chỉ khoảng 0,05% các trường hợp cấp cứu. Bệnh là hậu quả của nhiều bệnh khác và cũng gây ra những biến chứng không thể chủ quan.

Chức năng của mê nhĩ là gì?

Mê nhĩ là bộ phận chính của tai trong (tai gồm có ba phần đi từ ngoài vào trong là tai ngoài - tai giữa - tai trong). Các hốc được đào trong xương thái dương tạo thành mê nhĩ xương và những cái bọc bằng màng mềm chính là mê nhĩ màng. Mê nhĩ được tạo thành bởi ba phần gồm tiền đình, ống bán khuyên và ốc tai. Tiền đình chứa bãi thạch nhĩ, đây là những tế bào có khả năng tiếp thu sự kích thích theo các tư thế của đầu trong không gian. Ba ống bán khuyên được sắp xếp theo các trục thẳng đứng, song song và ngang để đảm bảo các tư thế của cơ thể và ốc tai nơi có các tế bào thính giác. Các sợi thần kinh được bắt nguồn xung quanh các tế bào này đi về phía đầu trục ốc tai, tập hợp lại thành dây thần kinh thính giác. Mê nhĩ đảm nhiệm hai chức năng chính là nghe và thăng bằng nhờ  sự di chuyển của lớp dịch trong lòng mê nhĩ và tiếp nhận âm thanh từ các tế bào nghe để tạo nên dây thần kinh thính giác. Mê nhĩ thông với tai giữa bởi hai cửa sổ tròn và cửa sổ bầu dục.

Nguyên nhân gây viêm mê nhĩ và cách điều trị

Viêm mê nhĩ thường gặp do biến chứng của viêm tai xương chũm cấp hoặc mạn tính. Quá trình viêm nhiễm từ tai giữa có thể đi qua hai cửa sổ này vào mê nhĩ đặc biệt là những viêm tai giữa mạn tính có chất ăn mòn xương (cholesteatoma) gây tổn thương hai cửa sổ này. Bên cạnh đó, viêm mê nhĩ cũng có thể xuất hiện do chấn thương vỡ xương đá, rối loạn vận mạch gây tắc mao mạch, vỡ mao mạch tai trong, nhiễm độc thuốc streptomycin, kanamycin... Viêm mê nhĩ cũng có thể gây ra do giang mai tai, thương hàn, quai bị, cúm... Viêm mê nhĩ còn gây ra viêm màng não thông qua ống tai trong. Ngược lại, viêm màng não cũng có thể gây ra viêm mê nhĩ, dẫn tới điếc nặng một hoặc cả hai bên tai, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Viêm mê nhĩ thanh dịch triệu chứng lâm sàng thường nhẹ hơn. Điều trị nội khoa bằng kháng sinh, corticoid. Viêm mê nhĩ mủ thường bắt nguồn từ viêm tai nên điều trị triệt để phải mổ xương chũm kết hợp với điều trị nội khoa có kháng sinh và chống viêm. Một số trường hợp nặng, chóng mặt nhiều phải phá hủy mê nhĩ.

 

Biểu hiện của viêm mê nhĩ

       Viêm mê nhĩ điển hình thường xuất hiện ở những bệnh nhân có tiền sử chảy mủ tai thối. Toàn thân sốt cao, thể trạng mệt mỏi. Tuỳ theo từng thể của viêm mê nhĩ mà bệnh nhân có các biểu hiện triệu chứng khác nhau. Viêm mê nhĩ có thể biểu hiện ở hai trạng thái là viêm mê nhĩ dạng phá huỷ hoặc viêm mê nhĩ dạng kích thích.

        Viêm mê nhĩ dạng phá hủy: Bệnh xuất hiện khi toàn bộ mê nhĩ bị phá hủy. Bệnh nhân thấy chóng mặt dữ dội, nôn mửa, thường chóng mặt nhiều khi thay đổi tư thế - đứng không vững, người bệnh thường ngã về bên mê nhĩ bị hỏng. Ù tai tiếng cao, liên tục, cường độ lớn. Nghe kém tăng nhanh rồi điếc đặc một bên tai. Nhãn cầu bị giật (động mắt). Thể trạng nhiễm khuẩn thường rõ ràng, sốt cao, có thể có dấu hiệu màng não. Đau tai, phản ứng đau vùng xương chũm, nhức đầu.

       Viêm mê nhĩ kích thích: Toàn bộ mê nhĩ bị viêm nhưng mức độ nhẹ, chưa bị hủy diệt. Lúc này bệnh nhân cũng xuất hiện các triệu chứng như viêm mê nhĩ hủy diệt ở mức độ nhẹ hơn. Chóng mặt không nhiều, nghe kém vừa. Loại viêm mê nhĩ này có khả năng phục hồi tốt sau khi điều trị.

© Trung tâm thính học sài gòn

Địa chỉ: 201 đường 3/2, Phường 9, Quận 10, TP. HCM - ĐT:0903168101

WebDoanhNghiep.biz thiết kế web này

[X]